Sau khi sinh, thông thường thời gian nằm viện của các bà mẹ khoảng 1-2 ngày, việc theo dõi sức khỏe tại nhà là rất cần thiết. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho bạn đọc các dấu hiệu cơ bản hay gặp sau sinh để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.
Bí tiểu tiện:
Sản phụ có cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được, sản phụ khó tiểu tiện vì thành trước âm đạo bị thay đổi hoặc bị chấn thương làm niệu đạo bị gấp hay cơ cổ bàng quang bị đóng chặt. Triệu chứng bụng dưới to, đau do bàng quang đầy và đau. Gặp tình huống này bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị để được thông tiểu và làm sạch bàng quang.
Tử cung co chậm và bế sản dịch:
Sau khi sinh tử cung co lại không còn sờ nắn thấy tử cung ở trên bụng nữa. Thường trong 10 ngày đầu sau khi sinh, tử cung co hồi tốt nhằm tống sản dịch ra ngoài. Khi tử cung co chậm, sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung, triệu chứng đau bụng dưới, sản dịch hôi và sốt sẽ gây nhiễm trùng tử cung, viêm dạ con. Viêm dạ con nếu không điều trị kịp thời bệnh chuyển biến thành thể nặng rất nhanh. Các bà mẹ cần vận động sớm (đi lại nhẹ nhàng...) để tử cung co hồi tốt.
Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những dấu hiệu thường gặp sau sinh.
Sản giật sau đẻ:
Sản giật sau đẻ có thể xảy ra vài giờ sau đẻ nhưng cũng có khi muộn, nhiều ngày sau đẻ, với các biểu hiện giật, đau đầu, mờ mắt, huyết áp cao trên 140/90mmHg, tiểu tiện ít, phù 2 chi dưới... Biến chứng đáng lo ngại nhất là xuất huyết não, tổn thương thận gây bệnh thận mạn tính.
Đau vùng tầng sinh môn
Trong vài ngày đầu, sản phụ cảm thấy khó chịu và khó khăn khi di chuyển, đi lại do tầng sinh môn bị chấn thương hoặc bị cắt nới khi đẻ, mặt khác, tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn, khi thấy đau tức, cảm giác phù nề, bứt rứt, có dịch mủ... thì nên đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Táo bón sau sinh
Sau khi sinh, cơ thể mệt mỏi, ngại vận động đi lại, làm cho nhu động ruột giảm có thể gây ra táo bón và nhiều nguyên nhân khác như do dùng thuốc, do ăn uống... Táo bón sau sinh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh nở và kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng với triệu chứng bụng đầy trướng, hậu môn đau rát, dễ phát sinh bệnh trĩ... gây khó chịu cho người mẹ và ảnh hưởng đến ăn uống và tiết sữa. Nếu táo bón kéo dài bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và dùng thuốc.
Tắc tia sữa và áp-xe vú
Vài ngày sau khi sinh vú cương to vì đã tiết sữa đầy đủ. Vú nóng, nặng, căng tức. Dấu hiệu này rất hay gặp. Sữa trong vú nếu không ra ngoài được do tia sữa bị tắc nghẽn, do viêm đầu vú hoặc nứt kẽ đầu vú dẫn đến viêm tuyến sữa, viêm ống dẫn sữa và áp-xe vú. Khi phát hiện bị tắc tia sữa thì phải chườm nóng, xoa bóp, vắt hết chỗ sữa bị tắc cho đến khi thông. Viêm ở vú có dấu hiệu sốt, sưng đỏ, đau, rạn nứt đầu vú... thì bạn đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Do cổ bàng quang bị tổn thương trong khi đẻ hoặc do vệ sinh bộ phận sinh dục sau đẻ không đúng cách, không sạch sẽ hoặc tổn thương đường tiết niệu, dò bàng quang âm đạo dẫn đến chứng tiểu buốt, tiểu dắt, rối loạn tiểu tiện, nước tiểu dầm dề... Tổn thương này thường tạm thời và không kéo dài. Bạn cần theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hoa mắt, chóng mặt sau đẻ:
Sản phụ sau khi sinh do mất máu, mất sức nhiều, thể lực giảm có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy các bà mẹ sau đẻ không nên kiêng khem, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, vận động phù hợp. Có thể dùng thêm các vitamin tổng hợp để cơ thể nhanh chóng hồi phục theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
ThS. Lê Thị Hương