Cần chú ý khi mang song thai

Song thai là trường hợp đặc biệt của thai nghén và được cho là thai nghén có nguy cơ cao hơn gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Bên cạnh những bệnh lý chung trong khi mang thai, người mẹ mang song thai còn có thể gặp một số bệnh lý đặc biệt như chuyển dạ khó và sinh non, nhiễm độc thai nghén, hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau, tiền sản giật và tăng huyết áp… Do tính chất đặc biệt của thai nghén cũng như nguy cơ của nó khi mang song thai, việc khám thai và theo dõi trước sinh giữ vai trò rất quan trọng. Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau gây nguy hiểm cho thai nhi nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Do có bất thường ở những mạch máu trong bánh nhau dẫn đến sự cung cấp máu không đều cho mỗi thai nhi. Ngoài ra, còn có thể do trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau và gây chèn ép, làm giảm đi lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai khiến thai không thể phát triển bình thường như thai kia; hoặc phần bánh nhau dành cho mỗi thai to nhỏ khác nhau cho nên mỗi thai nhận máu không đồng đều.song thai

Hội chứng thai đôi truyền máu cho nhau trong tiến trình phát triển của thai nghén, dây rốn của 2 thai xoắn vào nhau gây chèn ép, làm giảm lưu lượng máu mang ôxy và chất dinh dưỡng đến một thai, khiến 2 thai phát triển không cân đối.

Thời gian xảy ra sự truyền máu: sớm là trước 20 tuần và muộn nhất là sau 30 tuần. Còn thông thường xảy ra vào khoảng 24-27 tuần. Thông thường, người mẹ được thăm khám và chẩn đoán theo dõi tại các cơ sở y tế. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm, 2 thai phát triển không cân đối. Tiến triển rất xấu nếu hội chứng truyền máu xuất hiện trước 28 tuần. Hậu quả cuối cùng của hội chứng truyền máu: Đẻ non do đa ối.

Chuyển dạ sớm và sinh non

Các bác sĩ sản khoa theo dõi hội chứng truyền máu (siêu âm và tiên lượng diễn biến của hội chứng xảy ra) để có thể phải đề nghị mổ lấy thai khẩn cấp (sinh sớm so với tuổi thai) để cứu cháu bé. Do đó, những người mẹ mang song thai dễ tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Tỷ lệ chuyển dạ sớm cao gấp 2 lần so với những người mẹ mang một thai. Trọng lượng trẻ song thai thường nhẹ cân và phần lớn là non tháng cho nên chăm sóc trẻ sơ sinh chào đời của song thai phải được thực hiện tại cơ sở y tế và phải hết sức khẩn trương tránh bị hạ nhiệt độ do thai nhỏ (thiếu tháng, nhẹ cân). Những tiến bộ về công nghệ y học có thể hỗ trợ trẻ sinh non từ những ngày đầu tại cơ sở y tế.

Nhiễm độc thai nghén

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc thai nghén, song có thể là do cơ thể người mẹ mang song thai không thích ứng gánh nặng của thai nghén gây cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể. Dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén là phù chân, nhất là những tháng cuối của thai kỳ. Nếu ấn ngón tay vào mắt cá chân rồi nhấc ra sẽ thấy xuất hiện dấu lõm của các ngón tay. Với những trường hợp phù nặng có thể gây phù toàn thân. Ngoài phù chân, người mẹ bị nhiễm độc thai nghén còn có hiện tượng tăng cân rất nhanh do cơ thể bị giữ nước. Với những thai phụ mang song thai được xác định là nhiễm độc thai nghén, cần được khám và điều trị kịp thời. Điều này giúp thai phụ tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.

Chuyển dạ của song thai

Song thai được gọi là một ca đẻ khó. Chuyển dạ của song thai thường kéo dài do tử cung quá to cho nên cơn co tử cung rất yếu, không có tác dụng làm mở cổ tử cung dẫn đến cổ tử cung mở chậm và chuyển dạ kéo dài khiến người mẹ mệt mỏi và có nhiều biến cố có thể xảy ra; hoặc do ngôi thai bất thường. Do nước ối nhiều, tử cung lại to hơn bình thường, thai thường nhỏ cho nên hay gặp ngôi thai bất thường như ngôi ngược, ngôi ngang hoặc 2 ngôi đầu chèn vào nhau không chúc vào tiểu khung... gây đẻ khó và cũng là yếu tố gây ra chuyển dạ kéo dài làm tăng nguy cơ cho thai và nguy cơ cho mẹ. Do đó, chỉ định mổ lấy thai - “đẻ can thiệp” trong song thai có xu hướng tăng cao; chưa kể mổ đẻ khi người mẹ mang song thai có nhiễm độc thai nghén hoặc một số biến chứng của song thai.

Và một số nguy cơ khác

Huyết áp là vấn đề gây phiền muộn với nhiều người mẹ mang song thai. Tăng huyết áp trong mang thai khi trị số huyết áp cao hơn 140/90, vì vậy, huyết áp cần được kiểm tra thường xuyên trong thai kỳ. Tăng huyết áp là một phần của tiền sản giật và thường kèm với nồng độ protein cao trong nước tiểu. Cứ 3 phụ nữ mang song thai thì có 1 người bị tiền sản giật, do đó cần được theo dõi sát vì dễ bị biến chứng nặng như suy thận, co giật...Bệnh tiểu đường phát triển ở người mẹ mang song thai tăng lên do tăng hormon vì có hơn một thai. Phụ nữ mang song thai có thể do tăng gánh nặng sinh lý dễ bị suy tim cấp, phù phổi cấp...

ThS. Lê Thị Hương

Phòng ngừa `nứt cổ gà` khi cho con bú

BS Thu Lan

Cho con bú đúng cách sẽ phòng tránh được bệnh “nứt cổ gà”. Ảnh: tư liệu
"Nứt cổ gà" là hiện tượng thường gặp ở vú của những bà mẹ đang cho con bú. Phần gần núm vú bị nứt ra một hoặc hai vết, tấy đỏ, đau nhức, thậm chí mưng mủ. Vì không thể cho con bú nên sữa ứ đọng ở hai bầu vú gây đau nhức khó chịu.

Nguyên nhân gây "nứt cổ gà"

Nguyên nhân chủ yếu là do bà mẹ cho bé bú không đúng cách: Bé không ngậm hết quầng vú mà chỉ mớm hời hợt vào núm vú, mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh, lâu ngày gây "nứt cổ gà". Mới đầu chỉ là một vết nứt nhỏ, nếu bà mẹ không chữa trị kịp thời, vết nứt sẽ lan dài quanh chân núm vú, gây đau đớn cho mẹ, và mất vệ sinh cho bé. Trầm trọng hơn, vết nứt có thể bị nhiễm trùng và mưng mủ. Trước tiên cần rửa sạch chỗ đau bằng nước muối loãng (nước ấm càng tốt). Sau đó lau khô và bôi thuốc. Một khi núm vú đã bị nứt, bạn nên khám và điều trị ngay và hạn chế cho bé bú kẻo vết thương ngày càng đứt rộng. Để tiếp tục duy trì nguồn sữa trong khi điều trị, bạn hãy vắt sữa thường xuyên vào đúng các cữ bú của bé và tiếp tục cho bé dùng sữa mẹ. Chỉ đến khi thực sự khỏi (vết thương đã kín miệng và lên da non) bạn mới nên cho bé bú lại và chú ý cho bú đúng cách.

Phòng "nứt cổ gà" như thế nào?

Cho con bú đúng cách, nếu em bé ngậm đầu vú đúng cách thì sẽ bú được nhiều sữa và không làm đau núm vú của mẹ. Bạn hãy kéo bé về phía ngực mình, và kích thích bé bằng cách dùng đầu vú cù vào môi dưới của bé. Bé sẽ há mồm như đang ngáp, lúc này mẹ phải kéo nhanh bé vào ngực mình, quan trọng là kéo bé về phía bầu vú chứ không phải là đưa bầu vú vào miệng của bé. Làm sao để:

- Bé ngậm vú tốt, dễ dàng. Miệng của bé mở rộng để ngậm toàn bộ phần quầng vú và đầu vú

- Lưng, tay và cả chân của mẹ phải có chỗ tựa chắc chắn.

- Cổ của bé cần phải duỗi thẳng hơi ngửa ra phía sau một chút. Người của bé áp sát vào người của mẹ (bụng tiếp xúc với bụng của mẹ). Đầu, vai, và người của bé phải làm thành một đường thẳng, bé có thể ngậm vú dễ dàng mà không cần phải ưỡn hoặc vặn người.

Núm vú không đòi hỏi phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bạn chỉ cần nhớ tráng nước sạch sau mỗi lần tắm là đủ. Tránh để da bị khô, bị nẻ, chú ý không bôi xà phòng hoặc dùng dung dịch tiệt khuẩn trên vùng vú, việc này sẽ dẫn đến da bị khô và làm nứt núm vú. Càng hạn chế mặc áo lót càng tốt. Điều này rất quan trọng vì núm vú được tiếp xúc với không khí, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn.

Ngăn ngừa bệnh phụ khoa

Nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh phụ khoa chủ yếu là các phụ nữ đã có gia đình, thì nay tỷ lệ này đang gia tăng ở các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.

 

Ngay cả khi có những biểu hiện như: Ra nhiều khí hư bất thường, ngứa, rát âm hộ; khí hư có mùi hôi, màu sắc khác thường thì chỉ có một số bạn gái đi khám hoặc hỏi ý kiến mẹ hoặc chị gái, còn đa phần các em chỉ rửa bằng nước sạch, một số còn dùng xà bông để rửa vùng kín, một số lại tự thụt rửa sâu âm đạo khi không có chỉ định của thầy thuốc. .. Đó chính là nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở các em gái chưa quan hệ tình dục.

Hậu quả của bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Chứng viêm nhiễm đường sinh dục có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, gây xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân, với cảm giác nóng rát, khó chịu. Một số trường hợp do điều trị muộn hoặc không đúng cách sẽ để lại di chứng như: teo hẹp vòi trứng, gây vô sinh ... Với người đang mang thai có thể dẫn đến sẩy thai hoặc đẻ non.

Phòng và điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Khác với các phụ nữ, việc điều trị bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở những bạn gái chưa từng quan hệ tình dục thường gặp khó khăn trong việc đặt thuốc âm đạo, cũng như các thủ thuật khác. Bên cạnh đó, do tâm lý e ngại nên nhiều bạn gái không đi khám mà thường tự điều trị dẫn đến tình trạng viêm nhiễm càng nặng và dễ chuyển sang mạn tính. Do vậy khi gặp các dấu hiệu như: Ra nhiều khí hư bất thường; Ngứa, đau rát, có mụn lở loét ở vùng âm hộ - âm đạo... các bạn gái nên đến đi khám tại các cơ sở y tế.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sản phẩm rửa phụ khoa, tuy nhiên các bạn gái nên đọc kỹ thành phần, tác dụng để lựa chọn cho mình một sản phẩm có thành phần tự nhiên an toàn, phù hợp.

a

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Vy, Chủ tịch hội Sản phụ khoa & Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam: "Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh vùng kín là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh viêm nhiễm phụ khoa".

- Tắm rửa thường xuyên (nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt), vệ sinh âm hộ hàng ngày, lau khô bằng khăn sạch.

- Luôn luôn giữ cho bộ phận sinh dục ngoài khô, sạch, không sử dụng những dụng cụ, khăn, vật lạ đưa vào trong âm đạo để lau âm đạo, âm hộ vì bất cứ lý do nào.

- Tránh mặc quần chật, quần ẩm ướt, không nên mặc đồ lót bó sát, nên mặc quần lót chất liệu cotton, thay quần lót thường xuyên.

- Băng vệ sinh phải đảm bảo sạch, đủ thấm và còn thời gian sử dụng qui định 4-6 giờ phải thay một lần.

- Không nên dùng nước bẩn có chứa nhiều vi sinh vật, nước thải như nước ao hồ, kênh rạch để tắm rửa.

- Không nên dùng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh, chất kháng khuẩn để vệ sinh vùng kín.

- Không tự thụt rửa âm đạo khi không có chỉ định của bác sĩ điều trị.

a

Hà Anh

(Hà Anh)

Viêm âm đạo, chớ coi thường

m đạo là một cơ quan nằm cận kề với hệ bài tiết nên rất dễ bị viêm nhiễm, chỉ cần một chút bất cẩn trong việc giữ gìn vệ sinh hằng ngày là ngay lập tức chị em phải đối mặt với những nguy hại về sức khỏe. Viêm âm đạo tuy không phải là bệnh lý phụ khoa nguy hiểm nhất nhưng lại chiếm tỉ lệ cao nhất, nếu không được điều trị nó sẽ là nguyên nhân gây nên những bệnh lý khác như: viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng, viêm vùng chậu, ung thư cổ tử cung, buồng trứng, đặc biệt ảnh hưởng tới thai nhi khi mang thai. Vì vậy chị em chớ coi thường, đừng cho bệnh phụ khoa là bệnh phụ mà không đi khám và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân do đâu?

Có nhiều loại mầm bệnh gây viêm âm đạo: vi khuẩn thông thường, vi khuẩn đặc hiệu như lậu, giang mai, nấm, trùng roi.

Viêm âm đạo do nấm và trùng roi: Tổ chức Y tế thế giới liệt bệnh nấm âm đạo và trùng roi (Trichomonas) là hai loại bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục. Trùng roi Trichomonas có thể sinh sống trong hệ sinh dục của cả nam lẫn nữ; ở nam chủ yếu ở niệu đạo, bàng quang. Khi hệ sinh dục của nam giới bị nhiễm trùng roi Trichomonas sẽ không có bất cứ triệu chứng nào, có thể lây truyền cho nữ giới thông qua quan hệ tình dục.

Vệ sinh vùng kín sai cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh hoặc vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, thụt rửa vùng kín đều gây nên viêm âm đạo.

Sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi: Sử dụng thuốc kháng sinh thông qua việc uống hay tiêm sẽ khống chế lượng men trong âm đạo, phá vỡ sự cân bằng trong môi trường âm đạo, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập và phát triển gây viêm nhiễm.

Viêm âm đạoKhám phụ khoa phát hiện bệnh.

Dấu hiệu nhận biết viêm âm đạo

Bình thường viêm âm đạo phát triển một cách âm thầm với những triệu chứng rất dễ dàng bỏ qua, tuy nhiên nếu thật sự chú ý đến những thay đổi ở vùng kín, chị em có thể nhận ra viêm âm đạo sẽ có những dấu hiệu như: Ra nhiều khí hư bất thường, đặc biệt khí hư ra nhiều hơn khi sắp tới chu kỳ kinh nguyệt; ngứa rát âm hộ, âm đạo ở những mức độ khác nhau, kèm theo đó là hiện tượng nóng rát; xuất hiện mùi hôi khó chịu, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục, mùi nặng hơn; người bệnh cảm thấy đau khi quan hệ tình dục, đau buốt khi đi tiểu...

Khi bị viêm âm đạo khám phụ khoa sẽ thấy: âm đạo, âm hộ đỏ có nhiều khí hư màu trắng chảy ra. Khi khám bằng mỏ vịt sẽ thấy niêm mạc âm đạo đỏ, rất dễ chảy máu và có lớp bựa trắng bao phủ như váng sữa; cổ tử cung viêm loét, đỏ, phù nề. Tuy nhiên tuỳ nguyên nhân gây bệnh sẽ có những triệu chứng đặc trưng. Chẳng hạn viêm âm đạo do nấm thường là Candida albicans, rất hay gặp và cũng rất dễ lây. Triệu chứng chính là ngứa âm đạo, khí hư thường rất ít. Soi khí hư có các sợi nấm. Nếu viêm âm đạo do trùng roi (Trichomonas) cũng rất hay lây. Triệu chứng phổ biến là khí hư ra nhiều và hôi, gây ngứa nhiều ở âm đạo và âm hộ. Chẩn đoán chính xác duy nhất bằng cách soi tươi khí hư thấy có trùng roi di động.

Những ảnh hưởng do viêm âm đạo

Ảnh hưởng đến việc mang thai: Môi trường pH ở âm đạo phù hợp cho hoạt động của tinh trùng. Nếu người bệnh bị viêm âm đạo nặng sẽ gây ra mất cân bằng độ pH ở âm đạo, không còn là môi trường sống của tinh trùng vì vậy làm giảm tỉ lệ thụ thai.

Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi: Có rất nhiều phụ nữ trong thời kỳ mang thai bị viêm âm đạo. Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến thai nhi, hơn nữa trong quá trình sinh nở còn có thể lây truyền bệnh cho thai nhi, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, dễ gây sẩy thai, đẻ non.

Gây ra các bệnh viêm nhiễm khác: Viêm âm đạo nếu không kịp thời điều trị dễ dẫn đến các bệnh viêm nhiễm khác như: viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu, viêm niêm mạc tử cung. Bên cạnh đó, khi da hoặc niêm mạc trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp xúc với mầm bệnh dễ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: mụn rộp sinh dục, bệnh lậu, giang mai, nấm…Viêm âm đạo nếu không được điều trị thì những tổn thương mạn tính kéo dài nhiều năm tại âm đạo và cổ tử cung là điều kiện thuận lợi cho ung thư phát sinh và phát triển.

Ảnh hưởng đến sinh họat hàng ngày: Viêm âm đạo sẽ gây ra nhiều rắc rối, khó chịu đối với nữ giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày của người bệnh, ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tình dục của các cặp vợ chồng.

Điều trị đặc hiệu

Viêm âm đạo là bệnh thường gặp, dễ tái phát và do nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó tuỳ nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc đặc hiệu.

Xác định do nấm thì điều trị bằng đặt thuốc chống nấm nystatin vào sâu trong âm đạo. Nếu do trùng roi, thuốc điều trị chính là metronidazol đặt âm đạo. Nếu viêm do lậu hay giang mai thì cần khám chữa ở chuyên khoa da liễu, kết hợp điều trị tại chỗ với điều trị toàn thân.

Phòng bệnh viêm âm đạo không khó

Nhiều chị em cho biết, họ không hiểu vì sao mình lại mắc bệnh viêm âm đạo mặc dù đã vệ sinh vùng kín sạch sẽ, kỹ lưỡng. Đôi khi bệnh đã được điều trị nhưng lại thường xuyên tái phát nhiều lần gây nên những phiền toái. Để phòng tránh chị em cần lưu ý:

Vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ: Chị em nên vệ sinh “vùng kín” hàng ngày, đặc biệt là trước và sau quan hệ tình dục, trong chu kỳ kinh nguyệt. Không nên sử dụng nước xà bông hay chất tẩy rửa mạnh trong vệ sinh vùng kín. Tránh thụt rửa âm đạo nhiều vì sẽ gây rối loạn khuẩn âm đạo, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập lên tử cung và phần phụ; tránh mặc trang phục quá chật (nên dùng quần lót bằng vải cotton để vùng kín được thoáng mát, thường xuyên thay quần lót). Sau khi đi đại tiện nên lau chùi từ phía trước ra sau để tránh đem vi trùng từ phân vào âm đạo.

Thực hiện tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục, sống chung thuỷ một vợ một chồng để phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Khám phụ khoa định kỳ hàng năm nhằm phát hiện và can thiệp sớm khi bệnh mới mắc.

Tóm lại, để không phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra, khi thấy xuất hiện những dấu hiệu của bệnh chị em cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc điều trị không đúng bệnh hay tái phát và dai dẳng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

Ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, sự hiểu biết về sức khỏe phụ nữ còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ viêm âm đạo - cổ tử cung lên tới gần 80%. Mặc dù là bệnh thường gặp và còn để lại những hậu quả rất xấu cho người bệnh như: viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, chửa ngoài tử cung, vô sinh, ung thư cổ tử cung... nhưng lại không được chú ý một cách đúng mức. Rất nhiều chị em phụ nữ không thực hiện khám phụ khoa định kỳ, trong khi những dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm âm đạo chị em lại không nhận ra, đến lúc phát hiện ra thì tình trạng bệnh đã trở nặng. Điều cần nhớ bản thân viêm âm đạo không được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng một số nguyên nhân gây viêm âm đạo lại có thể truyền từ nữ giới sang nam giới, khu trú ra khỏi cơ quan sinh dục của nam giới và sau đó truyền ngược trở lại cơ quan sinh dục của nữ qua hoạt động tình dục. Vì vậy bạn cần điều trị cả cho bạn tình /chồng vì các nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể sinh sống tại đường sinh dục của bạn tình /chồng và sẽ gây tái nhiễm cho nữ giới khi sinh hoạt tình dục, điều đó lý giải vì sao viêm âm đạo hay tái phát khi đã được điều trị khỏi. Trong thời gian đặt thuốc, không nên có quan hệ vợ chồng. Nếu không giữ được thì nên sử dụng bao cao su.

BS. Phạm Minh Nguyệt

Lần đầu tiên ghi được hình ảnh trứng rụng

Các nhà khoa học đã chụp được cận cảnh hình ảnh một quả trứng người rụng ra khỏi buồng trứng, hoàn toàn tình cờ trong một cuộc phẫu thuật thông thường.

   Sự rụng trứng diễn ra trong mô của buồng trứng.    Quá trình được ghi lại chi tiết lần đầu tiên.
Thông thường phụ nữ rụng một quả trứng mỗi tháng, nhưng đến nay, người ta mới ghi lại được chi tiết quá trình này trên động vật. Và bác sĩ phụ khoa Jacques Donnez tại Đại học Catholic ở Louvain, Bỉ, là người đầu tiên chứng kiến được quá trình này trong một cuộc phẫu thuật cắt bỏ dạ con trên một phụ nữ người Bỉ 45 tuổi.

Trứng người được tạo ra từ nang. Đó là những bao chứa đầy chất lỏng ở trong buồng trứng. Khi đến thời điểm rụng trứng, nang này sẽ lồi lên một cục màu đỏ sẫm. Quả trứng sẽ chui ra từ đây, bị bao phủ bởi một lớp chất dẻo chứa tế bào.

   Quả trứng chui ra từ một nang trong buồng trứng.   Sau khi chui ra, nó sẽ đi xuống ống dẫn trứng để chờ thụ tinh.
Ở người, mỗi quả trứng chỉ to bằng một dấu chấm, còn toàn bộ buồng trứng chỉ dài khoảng 5 cm.

Tiến sĩ Donnez cho biết các bức ảnh này có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm được về cơ chế rụng trứng. Trước đó, một số giả thuyết cho rằng quá trình diễn ra một cách bùng nổ, nhưng theo những gì ông được chứng kiến, thì toàn bộ sự kiện diễn ra trong vòng 15 phút.

"Thật thú vị khi nhìn được hình ảnh trứng rụng, để nhìn thấy nó trong đời thực thật là một trường hợp vô cùng hiếm", giáo sư Alan McNeilly tại Ủy ban sinh sản con người ở Edinburgh, Anh, nhận định. "Nó chính là một khâu chủ chốt trong cả quá trình, một khởi đầu của sự sống theo một cách nào đó".

Theo M.T (VnExpress)

Giá trị kinh tế của sữa mẹ

 Nuôi con bằng sữa mẹ vừa kinh tế, bảo đảm dinh dưỡng, vừa phòng tránh được một số bệnh mạn tính cho trẻ. Ảnh: Kiên Giang
Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quý giá, tinh túy. Như một món quà của tạo hóa, cơ thể người mẹ đã tinh lọc để trao tặng cho đứa con. Sữa mẹ (SM) là thiêng liêng, vô giá, bởi vậy, việc tính toán và quy đổi thành tiền cho mỗi lít sữa mẹ hay mỗi bữa bú có gì đó không phù hợp. Thế nhưng gần đây, tại hội nghị tư vấn chuyên môn của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương về các biện pháp tăng cường nuôi con bằng SM (10/2007), lần đầu tiên, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF khuyến cáo đưa ý nghĩa kinh tế của SM lên các diễn đàn vận động xã hội. Lý do quan trọng là bởi ý nghĩa sức khỏe cộng đồng của việc cho con bú và bằng chứng về ý nghĩa kinh tế lớn lao của SM, kể cả khi SM được nhìn dưới góc nhìn của một thương phẩm. Mặt khác, vận động là để toàn xã hội thấy và trân trọng SM, thấy được vị thế đặc biệt của người phụ nữ trong thiên chức tạo dựng và sử dụng nguồn sữa của mình để nuôi con, từ đó hỗ trợ các bà mẹ đang nuôi con bú. Việc hiển thị rõ giá trị kinh tế của sữa mẹ cũng giúp thuyết phục tốt hơn các nhà hoạch định chính sách cho sự đồng tình, ủng hộ và bảo vệ truyền thống nuôi con bằng SM, sử dụng hiệu quả nguồn “tài sản quốc gia” to lớn thiêng liêng này.

Để làm rõ giá trị kinh tế của SM, thông thường người ta tính tổng lượng sữa mà các bà mẹ đang nuôi con sản xuất được ở một quốc gia trong một năm (tính theo trọng lượng -kg, hoặc lít) dựa trên số lượng các bà mẹ đang nuôi con nhỏ và dựa trên lượng sữa trung bình mà một trẻ có thể bú trong một ngày. Ví dụ: ở Úc (với khoảng 250.000 trẻ sinh/năm), khoảng 33 triệu kg sữa mẹ được sản xuất/năm. Ở Philippin (khoảng 2 triệu trẻ sinh/năm), lượng SM sản xuất ra có thể cao gấp 10 lần so với ở Úc. Làm phép tính nhân cho giá trị thương mại của một lít sữa mẹ đang được trao đổi mua, bán trên thị trường thực tế, sẽ ra giá trị tiền của tổng lượng SM.

Giá của SM là bao nhiêu trên thị trường hiện nay? Xin cung cấp một vài con số mà các chuyên gia đã cung cấp trong hội nghị tư vấn kể trên. Ở thị trường châu u, một lít SM có giá khoảng 50 USD. Ở Mỹ, các bệnh viện phải mua SM để nuôi các trẻ sơ sinh non tháng với giá khoảng 65 USD/lít. Cũng ở Mỹ, giá thuê người cho bú (vú em) cho một em bé khoảng 1000 USD/tuần. Với Việt Nam, các thông tin trên có vẻ lạ, nhưng chúng không còn là lạ với nhiều nước trên thế giới. Những thông tin này rất thường được tìm thấy trên mạng internet. Với cách tính toán như vậy, SM có giá trị khoảng 2 tỷ đô (Úc)/năm ở nước Úc; và khoảng 44 tỷ đô (Úc)/năm ở Philippin. Ở một số nước như Na Uy, SM chính thức được đặt trong danh mục thống kê các sản phẩm sản xuất được của quốc gia!

Trong một ước tính của nhóm công tác gồm các chuyên viên của Viện Dinh dưỡng - Bộ Y tế, Tổng cục thống kê năm 2006 với hỗ trợ của UNICEF Việt Nam, tổng giá trị sữa mẹ của các bà mẹ Việt Nam ước tính khoảng 549 triệu USD/năm! Rất tiếc là khoảng một nửa trong số đó đã bị mất đi do nuôi con bằng sữa mẹ không đúng cách. Ví dụ không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn thức ăn thay thế, cai sữa sớm...

Một cách nữa giúp nhận ra giá trị kinh tế của SM, đó là ước tính các chi phí gia tăng mà xã hội phải gánh để chữa trị các bệnh mạn tính đang có xu hướng phát sinh nhiều hơn. Tính toán năm 2001 ở Úc, cho thấy nước này phải chi phí khoảng 3 triệu đô la (Úc) cho các bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, béo phì, bệnh tiểu đường, và các bệnh nhiễm trùng hô hấp... mà các bệnh này nguy cơ mắc có thể giảm bớt từ 9-24% nếu những tháng đầu của thời thơ ấu, mọi người đều được nuôi bằng SM!

Ở Việt Nam, các chuyên gia cũng ước tính khoảng 10 triệu USD/năm bị mất đi do chi phí gia tăng cho các loại ốm đau bệnh tật ở trẻ do không được nuôi bằng SM.

Giá trị kinh tế của SM cũng dễ nhận thấy bởi chính từng bà mẹ thông qua các chi phí hằng tháng mà họ phải dùng để mua sữa hộp thay vì nuôi con bằng SM. Chi phí này ở Úc khoảng 100-200 triệu đô (Úc) mỗi năm. Ở Philippin, để nuôi một trẻ ăn nhân tạo trong một tháng, bình quân phải tốn đến 4,000 pe-so/tháng (tương đương 106 đô Úc), chiếm khoảng từ 30-40% của thu nhập của gia đình bình thường. Không nuôi con bằng SM, chi phí mua sữa cho trẻ ăn tiêu tốn của nước này khoảng 465 triệu đô (Úc) mỗi năm.

SM & nuôi con bằng SM rõ ràng không rẻ vì bà mẹ cần được gia đình và xã hội chăm sóc về ăn uống, nghỉ ngơi, tình cảm và thời gian để thực hiện việc cho con bú mẹ thành công theo đúng nghĩa của từ này. Nhưng nuôi con bằng SM là an toàn, là cách nuôi chuẩn mực nhất vì sức khỏe và sự phát triển của mỗi đứa trẻ trong tuổi bé thơ, và kể cả sức khỏe trong tuổi trưởng thành của bé mai sau.

Quang Minh

Khắc phục một số trục trặc thường gặp sau sinh

Sau khi sinh, thông thường thời gian nằm viện của các bà mẹ khoảng 1-2 ngày, việc theo dõi sức khỏe tại nhà là rất cần thiết. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho bạn đọc các dấu hiệu cơ bản hay gặp sau sinh để được xử trí kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.

Bí tiểu tiện:

Sản phụ có cảm giác buồn tiểu nhưng không tiểu được, sản phụ khó tiểu tiện vì thành trước âm đạo bị thay đổi hoặc bị chấn thương làm niệu đạo bị gấp hay cơ cổ bàng quang bị đóng chặt. Triệu chứng bụng dưới to, đau do bàng quang đầy và đau. Gặp tình huống này bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị để được thông tiểu và làm sạch bàng quang.

Tử cung co chậm và bế sản dịch:

Sau khi sinh tử cung co lại không còn sờ nắn thấy tử cung ở trên bụng nữa. Thường trong 10 ngày đầu sau khi sinh, tử cung co hồi tốt nhằm tống sản dịch ra ngoài. Khi tử cung co chậm, sản dịch sẽ bị ứ đọng trong tử cung, triệu chứng đau bụng dưới, sản dịch hôi và sốt sẽ gây nhiễm trùng tử cung, viêm dạ con. Viêm dạ con nếu không điều trị kịp thời bệnh chuyển biến thành thể nặng rất nhanh. Các bà mẹ cần vận động sớm (đi lại nhẹ nhàng...) để tử cung co hồi tốt.

Nhiễm trùng đường tiểu là một trong những dấu hiệu thường gặp sau sinh.

Sản giật sau đẻ:

Sản giật sau đẻ có thể xảy ra vài giờ sau đẻ nhưng cũng có khi muộn, nhiều ngày sau đẻ, với các biểu hiện giật, đau đầu, mờ mắt, huyết áp cao trên 140/90mmHg, tiểu tiện ít, phù 2 chi dưới... Biến chứng đáng lo ngại nhất là xuất huyết não, tổn thương thận gây bệnh thận mạn tính.

Đau vùng tầng sinh môn

Trong vài ngày đầu, sản phụ cảm thấy khó chịu và khó khăn khi di chuyển, đi lại do tầng sinh môn bị chấn thương hoặc bị cắt nới khi đẻ, mặt khác, tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn, khi thấy đau tức, cảm giác phù nề, bứt rứt, có dịch mủ... thì nên đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Táo bón sau sinh

Sau khi sinh, cơ thể mệt mỏi, ngại vận động đi lại, làm cho nhu động ruột giảm có thể gây ra táo bón và nhiều nguyên nhân khác như do dùng thuốc, do ăn uống... Táo bón sau sinh có thể xuất hiện ngay sau khi sinh nở và kéo dài từ vài tuần cho đến vài tháng với triệu chứng bụng đầy trướng, hậu môn đau rát, dễ phát sinh bệnh trĩ... gây khó chịu cho người mẹ và ảnh hưởng đến ăn uống và tiết sữa. Nếu táo bón kéo dài bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và dùng thuốc.

Tắc tia sữa và áp-xe vú

Vài ngày sau khi sinh vú cương to vì đã tiết sữa đầy đủ. Vú nóng, nặng, căng tức. Dấu hiệu này rất hay gặp. Sữa trong vú nếu không ra ngoài được do tia sữa bị tắc nghẽn, do viêm đầu vú hoặc nứt kẽ đầu vú dẫn đến viêm tuyến sữa, viêm ống dẫn sữa và áp-xe vú. Khi phát hiện bị tắc tia sữa thì phải chườm nóng, xoa bóp, vắt hết chỗ sữa bị tắc cho đến khi thông. Viêm ở vú có dấu hiệu sốt, sưng đỏ, đau, rạn nứt đầu vú... thì bạn đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Do cổ bàng quang bị tổn thương trong khi đẻ hoặc do vệ sinh bộ phận sinh dục sau đẻ không đúng cách, không sạch sẽ hoặc tổn thương đường tiết niệu, dò bàng quang âm đạo dẫn đến chứng tiểu buốt, tiểu dắt, rối loạn tiểu tiện, nước tiểu dầm dề... Tổn thương này thường tạm thời và không kéo dài. Bạn cần theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Hoa mắt, chóng mặt sau đẻ:

Sản phụ sau khi sinh do mất máu, mất sức nhiều, thể lực giảm có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy các bà mẹ sau đẻ không nên kiêng khem, ăn uống và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý, vận động phù hợp. Có thể dùng thêm các vitamin tổng hợp để cơ thể nhanh chóng hồi phục theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.

ThS. Lê Thị Hương

Nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén là một chứng bệnh chỉ phát sinh trong thời kỳ thai nghén. Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu, thai phụ có biểu hiện nghén nặng, ở thời kỳ cuối thai nghén (3 tháng cuối) thai phụ có triệu chứng phù, tăng huyết áp, protein niệu... Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị có thể dẫn tới tiền sản giật, sản giật. Ở sản phụ có nhiễm độc thai nghén, trẻ sơ sinh thường bị ngạt khi đẻ.

Nhiễm độc thai nghén ở 3 tháng đầu

 Tư vấn về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai.
Nhiễm độc thai nghén nhẹ: Sau khi có thai, nhiều chị em thấy xuất hiện các triệu chứng mà dân gian thường gọi là “ốm nghén”. Ốm nghén thường biểu hiện bằng tình trạng mệt mỏi, gầy, xanh, lợm giọng, buồn nôn, ứa ra nước dãi hoặc nôn ọe thực sự. Người có thai thường sợ cơm và thức ăn mà trước đây họ rất ưa thích nhưng lại rất thích ăn vặt. Thích các thức ăn chua và ngọt. Hiện tượng nhiễm độc thai nghén nhẹ ở 3 tháng đầu thai kỳ bắt đầu từ khi có thai khoảng gần 1 tháng và thường kéo dài đến 3 tháng. Sau đó, các triệu chứng ốm nghén giảm dần rồi mất hẳn, thai phụ trở lại tình trạng bình thường. Tình trạng thai nghén có khả năng làm cho người phụ nữ hơi gầy sút đi nhưng không bị gầy yếu nặng.

Nhiễm độc thai nghén nặng ở 3 tháng đầu kỳ thai diễn biến khác hẳn. Lúc đầu, thai phụ cũng có triệu chứng của nhiễm độc nhẹ nhưng thường xảy ra sớm hơn. Tình trạng nhiễm độc mỗi ngày một nặng hơn, đặc biệt là nôn mửa. Thai phụ nôn nhiều, ăn thứ gì vào là nôn hết ra thức ấy, thậm chí nôn hết thức ăn rồi vẫn tiếp tục nôn ra nước dãi hoặc nôn khan. Do nôn nhiều và không ăn uống được gì nên cơ thể thai phụ bị mất nước, gầy sút trông thấy.

Đối với tình trạng nhiễm độc thai nghén nhẹ, thai phụ chỉ cần nghỉ ngơi, nên ăn nhẹ và chia ra làm nhiều bữa trong ngày. Có thể sử dụng một ít thuốc an thần để chống nôn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ, bao gồm các triệu chứng sau:

Phù: Phù 2 chân, thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai nghén. Phát hiện bằng cách ấn ngón tay vào mắt cá chân có dấu hiệu lõm của ngón tay. Ở những người bị phù nặng, có thể phù cả ở mặt và hai tay. Những thai phụ bị phù do thai nghén chèn ép thì chỉ cần nằm nghỉ ngơi, gác cao chân lên sẽ hết phù. Còn ở những bà mẹ bị nhiễm độc thai nghén thì phù ở chân không giảm sau nghỉ ngơi. Cân nặng tăng nhanh tới 500 gam mỗi tuần là do hiện tượng giữ nước trong cơ thể.

Protein niệu: Nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu cho protein niệu lớn hơn 0,3g/l là không bình thường, cần theo dõi nhiễm độc thai nghén.

Tăng huyết áp: Thai phụ có nhiễm độc thai nghén, ở thời kỳ cuối của thai nghén huyết áp tối đa tăng lên khoảng 30mmHg và huyết áp tối thiểu tăng khoảng 15mmHg so với trước khi có thai, hoặc có huyết áp trên 140/90mmHg thì cần được theo dõi và điều trị nhiễm độc thai nghén.

Biến chứng của nhiễm độc thai nghén

Nhiễm độc thai nghén nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến tiền sản giật và giản giật.

Tiền sản giật: Sản phụ choáng váng, có hiện tượng mắt mờ, có khi buồn nôn, nước tiểu có protein tăng đến 0,5g/l, phù không giảm mà nặng hơn và nước tiểu ít hơn, nhưng chưa có cơn giật.

Nếu huyết áp trên 160/100mmHg mà điều trị không giảm phải lấy thai ra ngay nếu không có thể dẫn đến cơn sản giật.

Sản giật: Thường xảy ra ở thời kỳ cuối của thai nghén, trong khi chuyển dạ và sau đẻ. Sản phụ lên cơn giật và hôn mê có kèm theo phù, tăng huyết áp, protein niệu. Thường xảy ra ở thai phụ mang thai con so nhiều hơn con rạ và thường xảy ra từ tuần thứ 30 trở đi.

Khi bị sản giật, toàn thân co cứng, mắt đảo, đầu ưỡn ra sau, mắt đảo lên trời, rồi ngừng thở, sau đó chuyển rất nhanh sang giật run, co giật ở mặt, giật mạnh ở tay chân. Có thể cắn phải lưỡi và sùi bọt mép, mặt xanh tái rồi chuyển sang thành xám xịt, sau đó co giật giảm dần, sản phụ bị hôn mê rồi thở rống lên. Mạch nhanh, cơn co tăng lên khi giật. Hiện tượng này nếu không được xử lý thì dẫn đến suy tim, phù phổi, chảy máu não thậm chí tử vong.

Đối với sản giật trước đẻ, những cơn giật có thể dẫn đến đẻ non, thai nhi thường chết. Nếu được điều trị tốt, sản phụ có thể chuyển dạ đẻ thường và thai nhi sống.

Đối với sản giật trong khi chuyển dạ, cơn giật sẽ làm cơn co tử cung mạnh. Vì vậy nếu cổ tử cung của sản phụ mở chậm phải xử trí bằng mổ lấy thai ngay.

Sản giật sau đẻ thường nhẹ hơn, cơn giật thường xảy ra vài giờ sau đẻ. Vì vậy đối với sản phụ sinh tại trạm y tế có cơn giật cần phải theo dõi từng cơn giật, đo huyết áp, thử nước tiểu thường xuyên và cần phải cấp cứu nhanh chóng, đồng thời phải chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị.

Để phòng sản giật

Cần theo dõi, quản lý thai nghén tốt. Khi có thai cần chú ý đủ chất dinh dưỡng một cách hợp lý (đường, đạm, vitamin, các chất vi lượng, uống bổ sung viên sắt, axit folic...). Chú ý đi khám thai định kỳ, nếu thấy phù cần đi khám thai ngay dù chưa đến hẹn để được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Nếu tại trạm y tế phát hiện sản phụ có phù, tăng huyết áp, protein niệu phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa sản để điều trị và sinh đẻ cho an toàn.

Cách xử trí

Dùng một cái nẹp dài hoặc một que to bản như cái đè lưỡi cuốn băng ở bên ngoài để ngáng miệng, đề phòng sản phụ trong cơn sản giật cắn vào lưỡi. Nếu là mùa đông, cần giữ ấm cho sản phụ. Tiêm ngay một trong các thuốc an thần như morphin 0,01mg x 1 ống, hoặc thuốc như barbituric, seduxen rồi nhanh chóng chuyển sản phụ lên bệnh viện có chuyên khoa sản.

Cần lưu ý, những sản phụ có lên cơn giật thì phải đề phòng chảy máu nhiều sau đẻ. Nhiễm độc thai nghén không được điều trị, theo dõi có thể dẫn đến tiền sản giật và sản giật. Những thai phụ ở tháng thứ 7 hoặc tuần thứ 30 mà huyết áp tối đa tăng thêm 30mmHg và huyết áp tối thiểu tăng thêm 15mmHg so với trước khi có thai và những thai phụ có huyết áp trên 140/90mmHg thì phải được theo dõi và điều trị ngay để phòng tránh tai biến sản giật.

BS. Bích Ngọc - raFH

Trầm cảm sau sinh: SOS!

Sau khi sinh đứa con đầu lòng, từ một cô gái luôn vui vẻ, dịu dàng, yêu chiều chồng, Lan bỗng trở nên ít nói, dễ cáu gắt, hay khóc, không còn muốn sẻ chia với người thân... Lo lắng trước sự thay đổi đột ngột của vợ, chồng Lan đã đưa cô tới chuyên gia tâm lý, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đã kết luận cô mắc hội chứng trầm cảm sau khi sinh - đó là một hội chứng phổ biến ở phụ nữ.

Theo nhiều nghiên cứu, có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của hội chứng này là 50%. Các rối loạn tâm thần thường xuất hiện khoảng vài ngày đến 6 tuần sau sinh, với nhiều mức độ khác nhau. Ở dạng trầm cảm nhẹ, sau khi sinh khoảng 3-4 ngày người mẹ thường thấy mệt mỏi, các hoạt động vô cùng khó khăn và vụng về, lo lắng thái quá đối với sức khỏe của con và của bản thân, khóc lóc vô cớ... Nếu bị trầm cảm nặng, từ trạng thái lo lắng, người mẹ trở nên buồn rầu, hay cáu gắt vô cớ, có những xử sự kỳ quặc với đứa con mới đẻ và những đứa trẻ khác. Nếu tình trạng trầm cảm nặng kéo dài quá 2 tuần, người mẹ sẽ rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, với các biểu hiện như luôn cho rằng mình và con mắc bệnh hiểm nghèo, buồn rầu và hay khóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, không chủ động được bản thân, có những lời nói hay hành vi thô bạo, xúc phạm tới người xung quanh. Thậm chí, nhiều người mẹ còn không quan tâm tới con của mình, bỏ mặc, hành hạ con, thậm chí giết hại hoặc tự sát.

Cần phân biệt giữa “cơn buồn thoáng qua sau sinh” - một phản ứng bình thường của sản phụ sau khi sinh, với tình trạng trầm cảm sau sinh. Ở “cơn buồn thoáng qua sau sinh”, người mẹ thường thấy mệt mỏi, lo lắng, thoáng buồn... Tình trạng này thường xuất hiện sau sinh và kéo dài vài 3 ngày là chấm dứt. Nhưng, nếu tình trạng trên kéo dài hơn 10 ngày với các triệu chứng ngày càng nặng hơn như: Luôn cảm thấy buồn, không quan tâm đến những sự việc chung quanh, ăn không ngon dẫn đến sụt cân, khó ngủ, luôn cảm thấy mệt mỏi, hay khóc không lý do, thấy bản thân vô giá trị hoặc có một tội lỗi gì ghê gớm, luôn bồn chồn, lo âu hay dễ tức giận, bi quan về tương lai, không muốn chăm sóc con hay sợ mình sẽ làm hại đứa bé... thì bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm sau sinh.

Hiện nay, y học vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác của chứng trầm cảm sau sinh, nhưng có một vài giả thiết cho rằng đó là hậu quả của sự thay đổi của vài loại nội tiết tố sinh dục trong khi có thai và ngay sau khi sinh, do sinh khó, có thai ngoài ý muốn, không được sự hỗ trợ của người thân trong quá trình sinh nở và nuôi con, phải tự chăm sóc con ban đêm, cuộc sống căng thẳng, trở lại công việc hằng ngày sớm hơn 30 ngày... Ngoài ra, trầm cảm sau sinh một phần là do hệ quả của lối sống hiện đại. Cuộc sống sôi động với nhiều áp lực đã khiến các bà mẹ trẻ chưa kịp học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chưa chuẩn bị sẵn tâm lý làm mẹ nên thường nảy sinh tâm lý lo lắng thái quá, dẫn tới trầm cảm.

Trầm cảm sau sinh tuy không phải là bệnh nghiêm trọng, nhưng nếu không có phương pháp điều trị sớm và tích cực sẽ ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe cả tinh thần và thể chất của người mẹ, của người cha, đặc biệt là của đứa trẻ. Trẻ nhỏ có mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ bị ảnh hưởng tính cách khi trưởng thành như rụt rè, nhút nhát trước đám đông, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức chậm, hành động tiếp thu yếu hơn các bạn cùng trang lứa.

Để tinh thần của người mẹ sau khi sinh được ổn định, vui vẻ, thoải mái, ngay từ khi bắt đầu mang thai, sản phụ và người thân, đặc biệt là người chồng, cần có những biện pháp tâm lý thật tốt. Với các bà mẹ trẻ, ngoài việc đọc sách báo và học hỏi kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe bản thân khi mang thai, chăm sóc và nuôi dạy em bé... Còn cần phải học hỏi các phương pháp xử lý những rắc rối khi gia đình có thêm thành viên mới. Mang thai, sinh nở và nuôi dạy con là một biến động rất lớn, thậm chí là có thể thay đổi hoàn toàn so với cuộc sống thời son rỗi. Người mẹ sẽ vất vả hơn, mệt mỏi hơn, lo lắng nhiều hơn; thời gian dành cho bản thân, cho người thân, cho sự nghiệp không còn nhiều; kinh tế xáo trộn; quan hệ thay đổi... Xác định được điều đó sẽ giúp các bà mẹ vượt qua những năm tháng khó khăn đầu tiên khi gia đình có thêm thành viên mới.

Ngay từ thời kỳ thai nghén, nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, bên cạnh việc nghỉ ngơi, thoải mái, làm việc nhẹ nhàng, thai phụ rất cần sự động viên, nâng đỡ tinh thần của người thân và bạn bè. Nếu có các rối loạn tâm thần nặng thì cần được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Sau khi sinh con vài ngày, người mẹ cần theo dõi các diễn biến tâm lý của chính mình để kịp thời điều chỉnh. Với trầm cảm nhẹ, có thể can thiệp bằng những viên thuốc ngủ giúp giải quyết những cơn mất ngủ trước mắt. Kèm theo đó là sự chủ động từ phía các bà mẹ trẻ trong việc chia sẻ suy nghĩ và công việc với người thân để giải tỏa gánh nặng. Trong trường hợp bệnh có liên quan đến nồng độ hormon bác sĩ sẽ kê toa thuốc cân bằng lại lượng hormon. Điều quan trọng là bạn đừng cố gắng chống lại hiện tượng mệt mỏi này mà hãy nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt. Bạn hãy tự nhủ rằng những cảm giác căng thẳng này rồi sẽ qua, hãy thư giãn để thưởng thức mọi cung bậc tình cảm, bởi vì con bạn lớn rất nhanh. Cùng với sự chuẩn bị tốt về tâm lý của sản phụ, những lời khuyên giải, động viên, nâng đỡ của người thân sẽ giúp tinh thần của các bà mẹ bình thường trở lại. Chỉ có khoảng 15% kéo dài trạng thái trầm cảm đến hàng năm, hoặc bị trầm cảm nặng có các rối loạn hành vi. Những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị. Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được động viên, an ủi, nâng đỡ về tinh thần để tránh mặc cảm.

BS. Trần Thu Thủy

Nhận biết u xơ tử cung

U xơ tử cung (UXTC) là những khối u nhỏ lành tính phát triển và thành hình từ lớp cơ của tử cung. UXTC có thể có một hay nhiều u, đường kính thay đổi từ vài milimét đến vài chục milimét. Đây là một loại u lành tính và thường không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, UXTC có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Biểu hiện bệnh lý của UXTC

UXTC có thể nằm ở phần thân tử cung (96%), eo tử cung (1%), cổ tử cung (3%), cũng có thể nằm trong bề dày lớp cơ tử cung, nằm dưới lớp niêm mạc của buồng tử cung, có thể có cuống, làm cho khối u xơ giống như một dạng polyp thòng vào trong lòng tử cung. Khi khối u xơ nhỏ, người phụ nữ hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng bệnh lý nào. Tuy nhiên, 60% trong các trường hợp UXTC có triệu chứng chính là rối loạn kinh nguyệt; rong kinh kéo dài; chảy máu bất thường. Sự phát triển của khối u chịu ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen, khi lượng estrogen tăng cao sẽ làm cho khối u phát triển to lên. Tùy theo độ lớn và vị trí của khối u gây áp lực lên thành tử cung, chèn ép lên các cơ quan của cơ thể gây ra những biểu hiện như: đau tức vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau nhiều hơn trước hoặc trong khi hành kinh; đau tức vùng bụng dưới trong và sau khi giao hợp; bụng to ra trông như người đang mang thai khi khối u to, chèn lên dạ dày; Rối loạn tiểu tiện (bí tiểu, tiểu tiện nhiều lần, tiểu rắt, tiểu són) khi khối u chèn vào bàng quang, chèn vào niệu quản làm ứ đọng nước tiểu và gây táo bón khi khối u chứng chèn vào trực tràng…

U xơ tử cung có thể gây ra nhiều biến chứng.

Nguyên nhân gây UXTC

Vì sao phụ nữ bị UXTC hiện nay vẫn chưa rõ, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân phát sinh UXTC là do nồng độ estrogen trong cơ thể tiết ra nhiều và hoạt động mạnh dẫn đến tăng sinh tổ chức cơ và niêm mạc tử cung. Chính vì vậy, khối u xơ có thể nhỏ lại và teo mất đi khi người phụ nữ đã mãn kinh. Một số tài liệu thì cho rằng UXTC liên quan đến sức khỏe sinh sản: sẩy thai nhiều lần, hiếm muộn, vô sinh, phụ nữ sinh đẻ ít có nguy cơ gây UXTC. Tuy vậy, bệnh vẫn gặp ở những phụ nữ đẻ nhiều con. Một số trường hợp đang mang thai nếu bị UXTC có thể dẫn đến một số nguy cơ như ngôi thai bất thường, sinh non, nhau thai bám ở vị trí bất thường (nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…). Có thể thấy UXTC ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ, sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ. UXTC thường được phát hiện khi đi khám bệnh định kỳ. Bạn cũng có thể tự kiểm tra và phát hiện UXTC khi nằm ở tư thế ngửa, sờ thấy khối u nổi lên dưới lớp da bụng, nếu day nhẹ có cảm giác đau để phòng biến chứng và được điều trị nếu biết tầm soát sớm.

Phương pháp điều trị

Tùy thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước và mức độ phát triển của khối u. Trường hợp UXTC nhỏ, tiến triển chậm, không biểu lộ triệu chứng, chưa gây biến chứng, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh… Có khoảng 1/3 số trường hợp UXTC không triệu chứng ở quanh tuổi 40 sẽ đi vào thời kỳ mãn kinh và từ đó UXTC sẽ không phát triển nữa. Do vậy, bác sĩ có thể không can thiệp bằng phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, tái khám, điều trị nội khoa. Dùng thuốc để kích thích làm teo khối u hoặc sử dụng kỹ thuật xoắn để néo chân u xơ rồi đưa u xơ ra ngoài từ cổ tử cung.

Nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, khối u trong tử cung phát triển to, chèn ép các cơ quan lân cận, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, cần điều trị ngoại khoa bằng phương pháp phẫu thuật. Bóc tách nhân xơ bảo tồn tử cung hoặc có khi cắt một phần hay toàn phần tử cung để loại bỏ hoàn toàn UXTC hoặc điều trị bằng phương pháp gây tắc động mạch nuôi khối u.

ThS. Lê Thị Hương

Bệnh Rubella

Bệnh Rubella còn có tên là bệnh Rubêôn, do virut RNA thuộc nhóm Togavirus gây ra, còn gọi là bệnh sởi Đức. Rubella có đặc điểm là hay gây thành dịch và phát ban giống sởi. Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng lại nguy hiểm cho phụ nữ có thai nhất là vào 3 tháng đầu vì gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Virut Rubella được phân lập từ năm 1962, bệnh lây qua đường hô hấp, hay xảy ra dịch vào mùa xuân và đầu mùa hạ. Bệnh ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng lại hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Những biểu hiện lâm sàng của bệnh

 Đục nhân mắt - một biến chứng của Rubella khi mang thai.
Sau khi virut vào cơ thể độ 2-3 tuần lễ, bệnh nhân hoàn toàn bình thường. Tiếp theo có 3 triệu chứng chính là sốt, phát ban và nổi hạch.

Sốt: Đau đầu, mệt mỏi thường xuất hiện 1- 4 ngày, sau khi phát ban thì sốt giảm. Sốt nhẹ 38,5oC.

Nổi hạch: Ở vùng xương chẩm, khuỷu tay, bẹn, cổ, sờ hơi đau. Hạch thường nổi trước phát ban, tồn tại vài ngày sau khi ban bay hết.

Phát ban: là dấu hiệu làm người ta để ý tới. Ban mọc lúc đầu ở trên đầu, mặt, rồi mọc khắp toàn thân, thường không tuần tự như sởi. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính chừng khoảng 1-2mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay đứng riêng rẽ. Trong vòng 24 giờ ban mọc khắp người, chỉ sau 2-3 ngày là bay hết. Cần phân biệt với ban của sởi: Ban sởi sờ mịn, mọc thứ tự từ trên đầu, mặt xuống, sau khi bay để lại các vảy như phấn rôm, trên da có các vằn màu sẫm.

Đau khớp hoặc đau khắp mình mẩy, hay gặp ở phụ nữ. Các khớp ngón tay, cổ tay, gối, cổ chân đau trong khi phát ban, sau đó không để lại di chứng.

Các thể lâm sàng

Rubella bẩm sinh: Virut từ máu mẹ qua nhau thai. Trẻ sơ sinh khi đẻ ra đã có ban, hoặc trong vòng 48 giờ sau sinh. Bệnh nhi có gan to, lách to, vàng da.

Thể xuất huyết do giảm tiểu cầu: Chiếm tỷ lệ 1/3.000 ca. Xuất hiện xuất huyết vào 1-2 tuần sau khi phát ban. Có thể chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, trẻ sơ sinh có thể chảy máu rốn.

Phụ nữ có thai bị Rubella

 Virus RNA gây bệnh Rubella.

Thường người mẹ không có triệu chứng, điều đáng quan tâm nhất là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ.

Trong 3 tháng đầu: 70%-100% trẻ đẻ ra bị Rubella bẩm sinh và 25% trẻ bị dị tật bẩm sinh ở các cơ quan tim, mắt, não.

Sau 3 tháng: Nếu mẹ có thai được 13-16 tuần, thì trẻ bị Rubella bẩm sinh với tỷ lệ 17%. Khi thai được 17- 20 tuần, thì tỷ lệ 5%. Và khi thai hơn 20 tuần, tỷ lệ đó bằng 0%.

Các biến chứng dị tật của thai nhi: Khi bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị bệnh Rubella thì dễ bị sảy thai hoặc thai chết lưu trong tử cung; nếu đẻ được thì thai thiếu cân, chậm lớn, chậm mọc răng và kèm theo các dị tật bẩm sinh như đục nhân mắt (một hoặc hai bên); đục giác mạc; tim tiên thiên lỗ thông vách tim, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch phổi; trẻ còn có thể bị câm, điếc, chậm phát triển trí tuệ.

Điều trị: Cần điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ nhiệt. Giữ ấm, tránh gió, kiêng nước trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin.

Phòng bệnh: Hai biện pháp chính của phòng bệnh là cách ly và tiêm phòng bằng vaccin. Tiêm phòng vaccin Rubella giảm độc lực, được ứng dụng từ năm 1969 tạo nên miễn dịch ít nhất là 16 năm, hoặc có thể cả đời. Vì vậy nên tiêm phòng Rubella rộng rãi cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Đối với phụ nữ đang ở tuổi sinh đẻ, khi tiêm phòng, phải sử dụng các biện pháp tránh thai hữu hiệu trong 3 tháng liên tục, gồm 1 tháng trước khi chủng và 2 tháng sau khi chủng. Việc cách ly là rất khó, phải cách ly 8-10 ngày sau khi ban bay hết. Nhưng có ý kiến nên để cho trẻ mắc bệnh, vì Rubella là bệnh lành tính và sau khi khỏi, người bệnh có miễn dịch bền vững.

TS.Đào Kỳ Hưng

(TS. Đào Kỳ Hưng)

Tai sao có hiện tượng thai ngoài tử cung?

BS. Lưu Quốc Khả

Thai ngoài tử cung (TNTC) là hiện tượng trứng được thụ tinh nhưng làm tổ ở ngoài buồng tử cung và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí sẽ đe dọa đến tính mạng người mẹ nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Tại sao có hiện tượng TNTC

Thông thường, trứng sau khi thụ tinh ở một phần ba ngoài của vòi trứng thì di chuyển vào buồng tử cung và làm tổ ở đó. Quá trình thai phát triển, buồng tử cung cũng phát triển để đủ chứa thai, bánh nhau và nước ối ở trong đó (ở thời kỳ thai đủ tháng, các sợi cơ tử cung đã phát triển, tăng chiều dài tới 40 lần so với khi không có thai). Nhưng vì một lý do nào đó, trứng sau khi được thụ tinh lại không di chuyển đến buồng tử cung để làm tổ mà lại dừng lại ở một nơi nào đó ngoài buồng tử cung (ở vòi trứng, ở buồng trứng hay trong ổ bụng…) và điều này sẽ dẫn đến TNTC.

 Quá trình vào tử cung của trứng sau khi thụ tinh.

Trong khi các sợi cơ tử cung có thể dài ra tới 40 lần để đáp ứng tình trạng mang thai của buồng tử cung thì buồng trứng và vòi trứng lại không lớn lên như vậy được. Vòi trứng dài khoảng 10cm, trong lòng vòi có chỗ hẹp dưới 1mm, khi trứng làm tổ ở đó và lớn lên sẽ làm vỡ vòi trứng gây chảy máu vào ổ bụng, đe dọa tính mạng người mẹ (khi trứng làm tổ ở buồng trứng cũng gây tình trạng như vậy).

Nguyên nhân dẫn đến TNTC

Người ta thấy: viêm nhiễm đường sinh dục, dị dạng đường sinh dục, các khối u buồng trứng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ TNTC.

Khi âm đạo và buồng tử cung bị viêm nhiễm (có thể do bệnh lây truyền qua đường tình dục, do thực hiện các thủ thuật như nạo hút thai không đúng quy cách, bơm hơi, bơm kháng sinh vào buồng tử cung…), vòi trứng cũng bị viêm làm tổn thương lớp niêm mạc và làm hẹp lòng vòi trứng lại và trứng sẽ khó khăn khi di chuyển về buồng tử cung, hoặc do rối loạn nhu động của vòi trứng nên trứng không những không di chuyển về buồng tử cung mà lại rơi vào bề mặt buồng trứng hoặc rơi vào ổ bụng và làm tổ ở đó.

Các khối u buồng trứng cũng có thể gây nên TNTC do khối u làm vòi trứng căng ra, hẹp lại và hạn chế nhu động nên trứng cũng khó di chuyển về buồng tử cung được.

Hậu quả của TNTC

Trước hết, TNTC khi bị vỡ sẽ gây chảy máu trong ổ bụng và tùy tình trạng của thương tổn cũng như thái độ xử trí của thầy thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Có những trường hợp bệnh nhân đến muộn, đã có choáng, khi phẫu thuật đã phải truyền tới 2-3 lít máu mới cứu được người bệnh. Trong nhiều trường hợp được chẩn đoán sớm (khi chưa rõ), nếu tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân, kết quả bệnh nhân không bị mất máu, sức khỏe chóng hồi phục và trong nhiều trường hợp vòi trứng cũng được bảo tồn. Tuy vậy, khi đã có phẫu thuật điều trị TNTC thì khả năng có con của người mẹ sau này ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Làm thế nào để hạn chế TNTC

Như trên chúng ta đã biết, viêm nhiễm đường sinh dục có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ bệnh lý TNTC. Vì vậy, để góp phần hạn chế tai biến này các bạn cần lưu ý:

Thực hiện nếp sống lành mạnh, chung thủy một vợ một chồng.

Tránh sinh hoạt tình dục bừa bãi, tốt nhất là dùng bao cao su khi giao hợp nếu không muốn có thai.

Hạn chế nạo phá thai. Khi phải nạo hút thai hoặc làm thủ thuật gì đó ở đường sinh dục dưới nên đến các cơ sở chuyên khoa, ở đó có những thầy thuốc có trình độ chuyên khoa sâu, cùng với những trang thiết bị đảm bảo, các yếu tố kỹ thuật, vô trùng, nó sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục sau này.

(BS. Lưu Quốc Khả)

Chủ động ngừa thai để tránh những cái kết buồn!

Thống kê từ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM - hai bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía Nam cho thấy, số lượng phụ nữ đến nạo phá thai những năm qua gần như không giảm. Năm 2015, Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận 28.692 ca phá thai, riêng sáu tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi tháng có gần 2.400 ca đến bỏ thai, con số này tại Bệnh viện Hùng Vương là 1.200 ca.

Đau lòng những cái kết từ nạo phá thai

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất châu Á và là một trong 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất trên thế giới. GS.BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Phó chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM, cảm thán: “Buồn quá là buồn!”.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây dành cho báo giới đề tài “Giúp phụ nữ tiếp cận với phương pháp ngừa thai hiện đại” do Báo Phụ nữ TP.HCM và Bayer Việt Nam phối hợp tổ chức nhân chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày ngừa thai thế giới, GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cho biết: “Đáng báo động có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Tổng tỉ suất phá thai là 2,5 - nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam đã phải trải qua 2,5 lần phá thai trong cuộc đời sinh nở của mình. Đặc biệt, cứ 1 trong 4 ca phá thai là phá thai không an toàn, gây tàn tật tạm thời hoặc lâu dài do các biến chứng. Phá thai không an toàn gây ra: 13% tử vong mẹ, và 20% gánh nặng nói chung do tử vong mẹ và tàn tật lâu dài”.

GS.BS Nguyen Thi Ngoc Phuong

GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói rõ:

Điều quan trọng là từng chị em trong độ tuổi sinh sản cần chủ động tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về các biện pháp ngừa thai hiện có, tư vấn với các bác sĩ, cán bộ y tế để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho mình”.

GS. Ngọc Phượng kể vừa khám cho một trường hợp bị dính buồng tử cung do nạo phá thai khi còn quá trẻ. Đó là một phụ nữ sinh năm 1983 nhưng trước đó đã 4 lần nạo thai, nay không thể có con được dù các bác sĩ đã cố gắng bằng nhiều cách như: nội soi đặt vòng chống dính, mổ tách dính… nhưng buồng tử cung và 2 vòi trứng vẫn dính chặt và có lẽ chỉ còn cách duy nhất là tìm người mang thai hộ. Có những trường hợp còn bi thảm hơn khi chị em vì mặc cảm mà đi phá thai “chui” ở những cơ sở không phép dẫn đến nhiễm trùng hoặc thủng tử cung, có khi may mắn còn giữ được sinh mạng nhưng nhiều trường hợp tử vong trong đau đớn. GS. Ngọc Phượng nhớ lại một trường hợp khi cô còn làm ở BV. Từ Dũ, một cô gái mới 18 tuổi có người yêu sắp đám cưới nhưng có thai, cả hai sợ quá đi phá tại nhà bà “mụ vườn”. Kết quả là cô gái được chuyển vào BV. Từ Dũ trong tình trạng mủ đầy ủ bụng. Các bác sĩ phải cắt tử cung nhưng vẫn không cứu được sinh mạng cô gái trẻ. Khi người nhà tức tưởi đi tìm mới hay con mình đang nằm trong nhà xác BV. Anh người yêu và bà mụ vườn sợ quá trốn biệt tăm.

Chủ động các biện pháp ngừa thai hiện đại

Mang thai là một trải nghiệm tuyệt vời chỉ khi người phụ nữ sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh lý do có thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên thì nhiều chị em chưa sẵn sàng có con vì còn dở dang việc học, kinh tế khó khăn, công việc chưa ổn định hay không muốn sinh con thứ 3… đã “bất đắc dĩ” phải từ chối những thai nhi ngoài ý muốn. Rõ ràng, nhu cầu ngừa thai ở chị em rất cao nhưng cách ngừa thai bị động, ngại mua thuốc ngừa thai hoặc tránh thai không an toàn theo kiểu truyền thống như: xuất tinh ngoài âm đạo, canh chu kỳ kinh nguyệt… đã khiến mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình phải trải qua 2,5 lần phá thai trong suốt độ tuổi sinh đẻ của mình và 20% các ca nạo phá thai rơi vào lứa tuổi vị thành niên. Cứ 1 trong 4 ca phá thai là phá thai không an toàn, chiếm 13% ca tử vong mẹ. Phá thai không an toàn cũng để lại các biến chứng về thể chất và tâm lý tạm thời cũng như lâu dài. Mang thai là một trải nghiệm tuyệt vời chỉ khi người phụ nữ sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ

Theo số liệu thống kê của Viện Guttmacher, hơn một nửa số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở châu Á muốn tránh thai. Tuy nhiên 22% trong số này (tức 141 triệu người vào năm 2014), đang không sử dụng biện pháp ngừa thai hoặc ngừa thai theo các kiểu truyền thống, kém hiệu quả. Đây là những chị em có nhu cầu ngừa thai chưa được đáp ứng, chiếm 77% ca mang thai ngoài ý muốn ở châu Á. Nếu phụ nữ được tiếp cận với các biện pháp ngừa thai hiện đại thì tình trạng mang thai ngoài ý muốn sẽ giảm đến 67%, từ 44 triệu ca xuống còn 15 triệu ca mỗi năm và phá thai không an toàn sẽ giảm 73%, từ 9,7 triệu trường hợp xuống 2,6 triệu trường hợp. “Vì vậy, điều quan trọng là từng chị em trong độ tuổi sinh sản cần chủ động tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về các biện pháp ngừa thai hiện có, tư vấn với các bác sĩ, cán bộ y tế để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho mình”, GS. Ngọc Phượng nói rõ.

tranh thai

Ngoài ra, GS.BS. Ngọc Phượng cho rằng: “Các biện pháp ngừa thai hiện đại cho hiệu quả ngừa thai ngoài ý muốn cao, đơn cử các biện pháp phổ biến như: bao cao su nam 86 - 93%, vòng đồng 98 - 99%, thuốc viên tránh thai phối hợp 98 - 99% nếu sử dụng đúng hướng dẫn… Thế nhưng, hiện vẫn còn những hiểu lầm khiến viên thuốc ngừa thai bị “hàm oan”, chẳng hạn như: uống thuốc ngừa thai bị vô sinh, đột quỵ, ung thư… Thực tế ngoài những lợi ích liên quan đến sinh sản như: ngừa thai; giảm có thai ngoài tử cung; thuốc viên tránh thai phối hợp còn đem lại những lợi ích về kinh nguyệt như kinh nguyệt đều, giảm lượng máu mất nên giúp giảm thiếu máu thiếu sắt; giảm 50% nguy cơ ung thư nội mạc tử cung sau 12 chu kì; giảm 40% nguy cơ ung thư biểu mô buồng trứng; giảm 40% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Còn nguy cơ mắc cục máu đông khi dùng thuốc ngừa thai là hiếm gặp và thấp hơn nguy cơ ở phụ nữ mang thai hay trong giai đoạn vài tuần sau sinh. Nguy cơ này sẽ thấp khi dùng thuốc liên tục và kéo dài. Chị em cần tầm soát các yếu tố nguy cơ trước khi sử dụng thuốc tránh thai: trên 35 tuổi có kèm hút thuốc lá, béo phì, vừa trải qua đại phẫu, bất động lâu, sau khi sinh con, có tiền căn huyết khối…

“Những quan niệm sai lầm trên dễ khiến nhiều chị em quay về với kiểu ngừa thai truyền thống có hiệu quả không cao so với các biện pháp hiện đại, và do đó dễ xảy ra các trường hợp vỡ kế hoạch phải bỏ thai. Sự tư vấn chính xác và đầy đủ của xã hội (cán bộ y tế, truyền thông...) sẽ giúp phụ nữ có thể tiếp cận được phương pháp tránh thai phù hợp nhất”, GS. Ngọc Phượng nhấn mạnh.

ANH THƯ